Xây dựng phần thô và hoàn thiện: những kinh nghiệm quan trọng

1877

Xây dựng phần thô và những điều cần biết

Phần thô là phần quan trọng cho tất cả các quy trình, hạng mục thi công sau này, vì thế nó cần được tính toán một cách kĩ lưỡng. Xây dựng phần thô càng tốt, càng chuẩn, càng chính xác thì những phần sau thi công sẽ rất thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian, giảm các  ảnh hưởng tiêu cực đến công trình (như đục phá, chỉnh sửa…). Nếu tính toán kỹ, khi thi công phần thô sẽ làm cho các nội dung sau thuận lợi chính xác.

Ngôi nhà có thể được sửa chữa, thay đổi vật liệu bề mặt, thiết bị, màu sắc… bởi thời gian. Nhưng phần thô sẽ không thay đổi được hoặc khó thay đổi. Xây dựng phần thô càng chắc, càng chuẩn… thì việc điều chỉnh phần hoàn thiện càng không khó.

Làm phần thô không dễ

Phần thô, theo cách hiểu nói chung là phần móng cùng bể ngầm, các hệ thống kết cấu chịu lực, mái bê tông, cầu thang đã đổ bản và xây bậc, hệ thống tường bao che và ngăn chia chưa tô trát. Đây cũng là “điểm dừng lại” ở các hạng mục công trình nhà chia lô, biệt thự trong nhiều dự án đô thị mới, dự án khu nhà ở.

Và đây cũng là công việc đòi hỏi kỹ thuật cao, cần những kiến thức – đặc biệt là kết cấu xây dựng; đòi hỏi sự tính toán chu đáo, cẩn thận, khoa học.

Việc xây các khối xây cũng tương tự, mặc dù có dễ hơn hạng mục bê tông một chút. Xây đúng, chính xác, thẳng, vuông… đảm bảo quy cách cấu tạo khối xây cũng không dễ, phải biết tính toán để không trùng mạch, không nhỡ viên… thường phải thợ lâu năm có kinh nghiệm mới làm tốt.

Kinh nghiệm xây dựng phần thô

Thời điểm kết thúc phần nền móng cũng là thời điểm bắt đầu việc xây dựng phần khung nhà. Khung nhà được hiểu là bao gồm toàn bộ hệ khung kết cấu bê tông cốt thép và hệ thống tường bao, tường ngăn chia của nhà. Hiện nay, mặc dù công nghệ xây dựng đã đi khá xa, nhiều loại vật liệu mới ra đời, nhưng bê tông, cốt thép và gạch vẫn là những vật liệu xây dựng chủ yếu và phổ dụng nhất.

Một hệ khung nhà bao giờ cũng bao gồm 5 thành phần chính: cột nhà (để truyền lực xuống đất), dầm nhà (hay đà, dùng để kết nối và truyền lực xuống các đầu cột), bản sàn (hay tấm, được đổ gối lên các hệ dầm, là nơi nâng đỡ các vật thể trong nhà), tường nhà (gồm tường bao và tường ngăn chia, được xây bằng gạch), và cầu thang, là bộ phận kết nối giữa các tầng nhà.

Việc thực hiện xây dựng phần khung nhà cũng như khi làm móng bao gồm các công việc chính là: đan thép, ghép cốp pha, đổ và đầm bê tông, chờ bê tông ngưng kết, rút cốp pha, xây tường. Công việc này không đơn giản nhưng cũng chẳng phức tạp, PHUCGIACONS hướng dẫn chỉ lưu ý một số điểm chính như sau:

  • Việc đan thép phải theo đúng chỉ định của bản vẽ kết cấu, đúng chủng loại và độ dài của các cấu kiện thép. Khi đan cần lưu ý tránh dẫm lên thép làm xô lệch thép làm giảm sức chịu tải. Nên có các cầu thép đặt lên trên kết cấu khi tiến hành đổ bê tông tránh làm xô lệch thép đan.
  • Việc ghép cốp pha cần thực hiện theo đúng quy chuẩn xây dựng, gỗ cốp pha không được lựa chọn loại gỗ quá kém phẩm chất, có thể bị bục vỡ trong quá trình đổ đầm bê tông. Kết nối các cốp pha thật chặt và gọn gàng.
  • Việc đổ đầm bê tông có thể thực hiện thủ công bằng máy trộn bê tông, cũng có thể thực hiện bằng xe trộn bê tông chuyên dụng, bơm bê tông bằng vòi bơm. Quá trình trộn cần lưu ý đúng tỷ lệ giữa cốt liệu và chất kết dính, sao cho hỗn hợp bê tông đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Khi đầm bê tông lưu ý phải đầm đều tay, không được bỏ sót bất kỳ chỗ nào.
  • Việc rút cốp pha cần lưu ý sao cho thời gian ngưng kết của bê tông phải đủ ngày, không nên vì tiến độ gấp gáp mà rút cốp pha sớm, gây ra nhiều tai nạn sập bê tông đáng tiếc.
  • Việc xây tường cần lưu ý xây làm sao cho thẳng, mạch đều. Trong quá trình xây cần liên tục kiểm tra độ thẳng bằng quả dọi. Vữa xây cần trộn đúng tỷ lệ, đảm bảo độ kết dính và chống nước thẩm thấu qua.

Quản lý chất lượng

Trong quá trình xây dựng phần thô cho ngôi nhà, cần thường xuyên thực hiện giám sát, kiểm tra bởi đây là khâu vô cùng quan trọng. Đặc điểm của quá trình thi công phần thô là rất khó, thậm chí không thể sửa chữa lại thêm vào đó nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và độ bền của công trình sau này. Quá trình giám sát này phải được thực hiện từ phía chủ nhà, người thân chủ nhà bao gồm việc ký nghiệm thu,…

Đồng thời phải tiến hành bảo dưỡng cho vữa và bê tông bởi quá trình xây dựng tốt vẫn cần phải được bảo dưỡng tốt và liên tục. Một số cách bảo dưỡng chủ yếu là phun nước lên bề mặt, che chắn giữ ẩm liên tục bằng cách phủ bạt, bao bố ướt hay bao ni lông hoặc sử dụng hợp chất dưỡng hộ lên bề mặt bê tông và vữa. Đối với bê tông phải bảo dưỡng liên tục trong thời gian ít nhất là 7 ngày còn với tường nền trát, láng vữa thì cần bảo dưỡng thường xuyên từ 3-7 ngày.

CHIA SẺ